BIẾN CHỨNG KHÔN LƯỜNG CỦA BỆNH TRĨ BẠN CẦN PHẢI BIẾT

Dân gian có câu, “thập nhân cửu trĩ”, nghĩa là cứ 10 người thì hết 9 người bị trĩ. Bệnh trĩ phổ biến là vậy nhưng nhiều người còn chủ quan, đợi đến khi bệnh nặng mới bắt đầu đi khám. Mấy ai biết rằng, biến chứng của bệnh trĩ cũng muôn vàn và có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Nếu vẫn còn chưa tin rằng bệnh trĩ cũng nguy hiểm không kém các căn bệnh có nguy cơ tử vong khác, các bạn có thể đọc kỹ bài viết sau đây để biết thêm chi tiết.

Bệnh trĩ ở giai đoạn nào sẽ dẫn đến biến chứng


Bệnh trĩ hình thành do các đám rối tĩnh mạch ở vùng hậu môn bị giãn quá mức và phình lên. Đây là căn bệnh không chừa một ai, từ phụ nữ đến đàn ông, từ trẻ em đến người già.
Do đó, ai trong chúng ta cũng cần trang bị các kiến thức cần thiết về căn bệnh này để kịp thời phòng tránh hay điều trị.
Bệnh trĩ chia làm 3 loại là trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Cách phân biệt 3 loại trĩ này như sau:
  • Trĩ nội hình thành ở trong hậu môn, dưới đường lược, do sự giãn quá mức của các tĩnh mạch hậu môn.
  • Trĩ ngoại hình thành ở ngoài hậu môn, có thể thấy hay sờ được các búi trĩ ngoại này.
  • Bệnh trĩ nội giai đoạn cuối, các búi trĩ trong hậu môn phát triển ra bên ngoài, gặp các búi trĩ ngoại và kết hợp lại tạo thành bệnh trĩ hỗn hợp.
Các cấp độ của bệnh trĩ từ lúc mới hình thành đến lúc bệnh nặng như sau:
  • Cấp độ 1: thấy đau ở hậu môn, đôi khi có máu dính trên giấy lau sau khi đi ngoài, chưa xuất hiện búi trĩ.
  • Cấp độ 2: búi trĩ thập thò khi đi ngoài, sau đó tự động thụt vào.
  • Cấp độ 3: búi trĩ thò ra nhiều hơn, phải dùng tay đẩy lên.
  • Cấp độ 4: búi trĩ nằm hẳn ngoài hậu môn, gây vướng víu cho người bệnh.
Như vậy, các bạn đã có được những hiểu biết sơ bộ về bệnh trĩ. Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem căn bệnh này nguy hiểm đến mức nào. 
Các dấu hiệu ban đầu của bệnh như chảy máu, đau hậu môn, ngứa rát, hậu môn có mùi khó chịu, búi trĩ thò thụt ở lỗ hậu môn,…thường gây các khó chịu, bất tiện cho người bệnh. 
Nhiều người chủ quan, không đi khám và điều trị bệnh trĩ từ sớm. Hơn nữa, tâm lý e ngại vì đây là bệnh lý ở vùng kín cũng khiến người bệnh chậm trễ trong việc điều trị bệnh.
Chính điều này làm cho các bác sĩ gặp không ít bệnh nhân đã ở giai đoạn nặng của bệnh mới đi khám, làm dẫn đến nhiều khó khăn khi điều trị.
PGS. TS Bùi Khắc Hậu (Đại học Y Hà Nội), bệnh trĩ có những biến chứng khôn lường cho người mắc phải như: tắc nghẽn hậu môn, chảy máu, đau đớn nhiều, bội nhiễm,…
Do đó, cần phải cảnh báo rằng, những người bệnh trĩ không thể xem thường các dấu hiệu ban đầu của căn bệnh này được.
Tuy bệnh trĩ không gây tử vong cao như các căn bệnh nguy hiểm khác nhưng nếu để bệnh tiến triển đến cấp độ 4 – cấp độ cuối của bệnh trĩ thì các biến chứng của bệnh trĩ sẽ rất nguy hiểm.

Biến chứng của bệnh trĩ và hậu quả khi bệnh không được điều trị sớm

Nhìn chung, các loại trĩ khác nhau đều có các dấu hiệu của trĩ giai đoạn cuối khá giống nhau. 
Do đó, biến chứng của bệnh trĩ nội hay biến chứng của bệnh trĩ ngoại cũng không khác nhau nhiều, người bệnh có thể tìm hiểu thông tin chung về biến chứng nguy hiểm của bệnh trĩ ngay sau đây.
Người bệnh có thể nhận biết các dấu hiệu của trĩ giai đoạn cuối (trĩ cấp 4) như sau: chảy máu thành tia khi đi ngoài, búi trĩ sa hẳn ra ngoài, không đẩy vào được nữa, cảm giác đau đớn nhiều hơn, vướng víu khi ngồi hay đi đứng.
Đến giai đoạn này, bạn có thể nhận được các chỉ định phẫu thuật hoặc thủ thuật từ bác sĩ để trị trĩ. Chi phí cho các biện pháp ngoại khoa này khá cao và người bệnh cũng cần thời gian để nghỉ ngơi sau phẫu thuật.
Tuy nhiên, nếu không kịp thời áp dụng các biện pháp trên để trị khỏi hẳn, bệnh tình có thể trở nên nghiêm trọng hơn và xuất hiện các biến chứng của bệnh trĩ gây nguy hiểm hơn. 

Biến chứng của bệnh trĩ – Biến chứng bệnh lý

Nếu vẫn còn bàng quan trước căn bệnh nguy hiểm này. Mời các bạn cùng xem những biến chứng của bệnh trĩ ngay dưới đây. 
Bệnh trĩ nặng có thể kèm theo các biến chứng bệnh lý đáng chú ý như sau: 

Sa nghẹt búi trĩ

Sa nghẹt búi trĩ là hiện tượng khi búi trĩ sa ra ngoài, mạch bị tắc gây phù nề nên búi trĩ không thể tự thụt vào trong được nữa. 
Người bệnh có thể bị nghẹt một phần hay toàn bộ chu vi hậu môn, gây vướng víu trong sinh hoạt.
Khi bị trĩ sa nghẹt, người bệnh phải dùng tay đẩy búi trĩ lên hoặc nặng hơn thì không thể đẩy lên được nữa, đặc biệt là đối với trĩ vòng do cơ vòng thắt búi trĩ lại hơn. 
Người bệnh sẽ cảm thấy rất đau đớn và vướng víu, khó chịu. Trĩ sa nghẹt có thể đỡ sưng và tự thụt lên sau đó, nhưng cũng có thể bị viêm, nhiễm dẫn đến hoại tử.
Vì vậy, người bệnh không nên để tình trạng này kéo dài. Ngay khi có các dấu hiệu như trên thì nên đi đến các cơ sở y tế để có các biện pháp can thiệp kịp thời, tránh dẫn đến hoại tử, làm nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Tắc mạch trĩ ngoại

Tắc mạch trĩ ngoại là hiện tượng vỡ các tĩnh mạch, tạo nên một bọc máu, hoặc là hiện tượng đông máu ở trong lòng mạch máu.
Các yếu tố dẫn đến tắc mạch trĩ ngoại như rặn, ngồi lâu khi đi ngoài, khiêng vác nặng, mang thai,… tăng áp lực lên tĩnh mạch hậu môn làm sung huyết các tĩnh mạch hậu môn.
Bọc máu đông sau đó được bao phủ bởi một lớp màng mỏng, dần dính chặt vào da phủ, gây khó khăn cho việc bóc, tách. 
Khi cục máu đông được rạch lấy ra thì bệnh nhân sẽ thấy rất dễ chịu, giảm ngay cảm giác đau đớn dữ dội trước đó.
Tuy nhiên, tách mạch trĩ ngoại cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt, nếu không có thể dẫn đến hoại tử do búi trĩ nằm ngay lỗ hậu môn.

Tắc mạch trĩ nội

Tắc mạch trĩ nội cũng được hình thành do các vấn đề xảy ra ở tĩnh mạch hậu môn như tắc mạch trĩ ngoại.
Tuy nhiên, tắc mạch trĩ nội nhẹ hơn do chỗ búi trĩ bị đông máu còn nằm trong ống hậu môn, người bệnh ít phải lo ngại về vấn đề hoại tử như khi búi trĩ nằm ở ngoài.
Ở người bệnh tắc mạch trĩ nội, khi soi hậu môn thấy có một đốm phớt xanh nằm phía trên búi trĩ. Khi rạch vào đốm xanh đó sẽ thấy cục máu đông bật ra.
Nhìn chung, trĩ tắc mạch gây đau đớn cho người bệnh và dễ gây hoại tử nếu búi trĩ nằm ngoài hậu môn. 
Thật may là người bệnh có thể thấy được các dấu hiệu thường thấy của trĩ tắc mạch như đau rát nhiều ở hậu môn, khó khăn khi ngồi, khi soi hậu môn thì thấy các màu sắc khác thường ở trên búi trĩ.
Nhận biết các dấu hiệu này càng sớm càng tốt để các bác sĩ có thể can thiệp bằng phẫu thuật cho bạn, tránh hiện tượng nhiễm trùng hay hoại tử.

Chức năng của hậu môn bị rối loạn

Trên cơ thể con người, hậu môn đóng vai trò quan trọng trong bài tiết và sinh sản nhưng bệnh trĩ lâu ngày có thể làm ảnh hưởng đến chức năng của hậu môn.
Hậu môn bị co thắt lại khiến cho việc đi ngoài trở nên khó khăn hơn hoặc các cơ thắt yếu, không giữ được phân và hơi, khiến bệnh nhân mất tự chủ trong việc đại tiện.
Đây là một trong những biến chứng của bệnh trĩ rất phổ biến hiện nay.

Bội nhiễm

Khi búi trĩ thò ra ngoài, kèm theo chảy máu thì rất dễ xảy ra bội nhiễm vi khuẩn.
Nguyên nhân là vì hậu môn là đường ra của phân và nước tiểu, mà các chất thải này lại chứa nhiều vi khuẩn nên dễ làm lây lan vi khuẩn cho vùng bị chảy máu của hậu môn.

Rối loạn thần kinh

Thoạt nghe bệnh trĩ có thể gây rối loạn thần kinh, nhiều người tỏ ra nghi ngại, không tin.
Tuy nhiên, theo các kiểm chứng khoa học thì đây hoàn toàn là điều có thể xảy ra.
Do nguồn gốc của bệnh trĩ là việc tăng áp lực ở khung xương chậu, các tĩnh mạch hậu môn bị phình lên nên nếu để lâu có thể khiến bệnh nhân bị đau lưng dưới, đau nhức xương, rối loạn thần kinh, căng thẳng đầu óc.
Nặng hơn, người bệnh có thể bị rối loạn thần kinh phản xạ tiết niệu, dẫn đến đái buốt, đái dắt, tiểu tiện nhiều lần, tiểu tiện không tự chủ.

Thiếu máu – nhiễm trùng máu

Bệnh trĩ thường kèm theo biểu hiện chảy máu ở hậu môn khi đi ngoài. 
Ở giai đoạn đầu, người bệnh chỉ thấy máu trên giấy lau, máu rỉ ít. Nếu bệnh chuyển biến sang cấp độ 3, 4 thì máu chảy nhiều hơn, máu chảy thành tia.
Ở giai đoạn cuối, người bệnh có thể chảy máu hậu môn ồ ạt, dẫn đến thiếu máu, nhiễm trùng máu do các vi khuẩn xâm nhập.
Nếu người bệnh bị apxe hậu môn cũng có thể khiến chảy máu và tăng nguy cơ nhiễm trùng máu cho người bệnh do hậu môn là đường ra của các chất thải trong cơ thể.

Hoại tử dẫn đến viêm nhiễm

Nhiễm khuẩn trĩ thường là do viêm nhú, viêm khe. Các khe và nhú này nằm trên đường lược.
Một khi người bệnh bị nhiễm khuẩn thì cảm giác sẽ rất ngứa ngáy, nóng rát ở hậu môn.
Bệnh nhân sẽ rất đau do cơ vòng hậu môn bị thít chặt, giãn nở kém. Hơn nữa, khi soi hậu môn thì thấy các nhú bị sưng to, phù nề, các khe giữa các búi trĩ bị loét, màu đỏ.

Bệnh về da

Các dịch nhầy có thể kèm theo khi người bệnh bị sa búi trĩ nặng. Chất dịch này có thể làm viêm da ở gần lỗ hậu môn cho người bệnh nếu không được vệ sinh đúng cách.
Nếu thấy xuất hiện dịch nhầy, có mùi hôi khi đi ngoài thì người bệnh nên vệ sinh hậu môn bằng nước ấm, có thể cho thêm ít muối pha loãng để sát khuẩn.

Bguy hại riêng ở nữ giới

Phụ nữ đang mang thai có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ do áp lực lớn của thai nhi lên khung xương chậu. 
Thêm nữa, quá trình rặn đẻ cũng khiến các chị em dễ mắc trĩ sau sinh hơn.
Tâm sự của mebaochi (thành viên webtretho): “…Em lo quá không biết bị trĩ thế này thì có ảnh hưởng gì đến việc sinh nở không nhỉ. Không biết lúc sinh có khó hơn không đây…”
Thắc mắc của mẹ bầu trên Diễn đàn webtretho.com
Vậy bệnh trĩ có biến chứng gì đặc biệt ở phụ nữ hay không?
Câu trả lời là bệnh trĩ có những nguy hại riêng cho nữ giới. Cụ thể là: 
Hậu môn nằm gần với vùng kín của người phụ nữ. Do đó, hậu môn nhiễm khuẩn cũng có thể gây ra các bệnh viêm, nhiễm phụ khoa cho phụ nữ.
Phụ nữ bị trĩ sau khi sinh xong có thể khiến bệnh trĩ nghiêm trọng hơn do việc rặn đẻ có thể làm búi trĩ sa ra ngoài nhiều hơn.
Do đó, các mẹ bầu nên trị khỏi bệnh trĩ trước khi sinh để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Biến chứng của bệnh trĩ ảnh hưởng đời sống

Sau khi tìm hiểu các biến chứng bệnh trĩ bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như trên, nhiều người bệnh đã biết được biến chứng bệnh trĩ có nguy hiểm không rồi.
Ngoài ra, bệnh trĩ còn gây ra không ít các ảnh hưởng đến đời sống của người bệnh như sau.

Xuất hiện nhiều cơn đau

Ở giai đoạn đầu của bệnh (trĩ cấp độ 1, 2), người bệnh đã có cảm giác đau, rát hậu môn sau khi đi ngoài và cảm giác này tăng lên nếu tiếp tục duy trì các thói quen không tốt cho người bệnh trĩ.
Những việc làm sai lầm của người bệnh trĩ khiến cơn đau nặng thêm:
       Ăn uống thiếu chất xơ, uống ít nước khiến chứng táo bón ngày càng nặng hơn, đi ngoài khó khăn, thường xuyên phải rặn làm tăng áp lực lên ổ bụng, phân cứng cọ vào chỗ viêm, sưng của búi trĩ làm người bệnh vô cùng đau đớn.
       Thụt rửa sâu vào hậu môn, vệ sinh hậu môn bằng những loại giấy không đủ độ mềm khiến vết thương ngày càng nghiêm trọng hơn.
       Sợ đau, nhịn đi ngoài làm phân ở lâu trong ruột già và dần bị rút mất nước, phân trở nên khô, cứng và người bệnh càng khó khăn khi đi ngoài hơn.
       Khuân vác nặng làm tăng áp lực lên khung xương chậu, làm búi trĩ lòi ra nhiều hơn và khiến người bệnh đau đớn hơn.
       E ngại, không dám đi khám, để bệnh tự khỏi là một trong những tâm lý phổ biến của người bệnh trĩ, để đến khi bệnh nặng, đau đớn không thể chịu nỗi được nữa thì người bệnh mới bắt đầu điều trị.
Biến chứng của bệnh trĩ càng nặng thì các các cơn đau càng kinh khủng hơn, khiến người bệnh căng thẳng, lo âu, không thể tập trung làm việc được, đi lại khó khăn, ăn không ngon, ngủ không yên.
Từ đó, nhiều người bệnh dần sụt cân, tinh thần sa sút, có thể xuất hiện các dấu hiệu bệnh thần kinh như trầm cảm, đa sầu,…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Mất tự tin

Tuy bệnh trĩ là một trong những bệnh lý hậu môn – trực tràng phổ biến ở nước ta nhưng nhiều người vẫn cảm thấy khó nói, không thể tự tin khi giao tiếp.
Trĩ vốn là bệnh lý xuất hiện ở vùng kín, gây khó khăn trong sinh hoạt, đặc biệt là ở các chị em, nên người bệnh không muốn giải bày cùng ai.
Các cơn đau, sự vướng víu của búi trĩ tạo ra những bất tiện trong quá trình học tập, làm việc hằng ngày, khiến người bệnh lo lắng, thiếu tự tin.
Có trường hợp người bệnh trĩ còn bị xa lánh do tin đồn bệnh trĩ có lây giữa những người ăn uống chung, dùng chung đồ dùng sinh hoạt. Thật ra, đây là bệnh lý được hình thành từ lối sống mà ra, không phải loại bệnh di truyền hay truyền nhiễm.
Không ít người thiếu hiểu biết về bệnh trĩ đã tạo áp lực, “đòn tâm lý” không thể nào nguôi cho những người đang mắc căn bệnh này.

Khó khăn trong các hoạt động, trong sinh hoạt

Sinh hoạt khó khăn, phải chịu nhiều đau đớn là những cảm giác chỉ người bệnh trĩ mới hiểu hết được. Cụ thể:
   Không thể ngồi nhiều, đứng lâu được vì các việc làm này tăng áp lực lên khung xương chậu, làm giãn các tĩnh mạch hậu môn, khiến bệnh trĩ nặng thêm.
   Búi trĩ sa ra ngoài gây vướng víu, không thể ngồi hay đi đứng như người bình thường được.
   Không thể tham gia các hoạt động thể chất mạnh, không khiêng vác đồ nặng được.
   Tốn nhiều thời gian trong ngày cho việc đi vệ sinh vì đại tiện lúc này rất khó khăn.
   Làm suy giảm năng suất làm việc của dân văn phòng vốn phải ngồi nhiều, người bán hàng thường xuyên đứng lâu, các công việc đòi hỏi phải mang vác nặng,…
   Phải thay đổi tư thế ngồi, nằm khiến người bệnh khó chịu, ngủ không ngon, cảm giác bất tiện mỗi khi di chuyển.
Và còn vô vàn các trở ngại khác trong sinh hoạt mà người bệnh trĩ có thể mắc phải. Từ đây, có thể thấy được, bệnh trĩ tuy không gây tử vong cao nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người bệnh, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của họ mỗi ngày.

Ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người bệnh

Bệnh trĩ không chừa một ai, cả nam và nữ đều có nguy cơ mắc căn bệnh này.
Bệnh trĩ gây ra không ít các khó khăn trong “chuyện ấy”, làm cuộc yêu không thể kéo dài, ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi.
Cụ thể, khi quan hệ, cơ thể của đối phương có thể cọ vào hậu môn, khiến chỗ viêm, sưng bị nhiễm khuẩn, đau rát, làm người bệnh muốn chấm dứt “chuyện ấy” ngay lập tức.
Các tư thế khi quan hệ cũng bị hạn chế đối với người bệnh trĩ. Nếu quan hệ với các tư thế mạnh bạo có thể gây đau đớn, chảy máu, nhiễm trùng búi trĩ, khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng hơn.
Các hạn chế khi quan hệ qua “cửa sau” cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các cặp đồng tính nam vì đây là con đường giao hợp chính của họ.

Lời khuyên từ chuyên gia, bác sĩ

Vì chính những nguy hiểm từ các biến chứng của bệnh trĩ trên mà các chuyên gia khuyên bạn nên phát hiện và điều trị bệnh ngay khi mới hình thành.
Người bệnh cần tuân theo các chỉ dẫn điều trị nội khoa hay ngoại khoa của bác sĩ để nhanh chóng khỏi bệnh.
Bên cạnh đó, các bác sĩ khuyên rằng, bạn cần phải thay đổi lối sống của mình hằng ngày để mang lại hiệu quả điều trị cao, ngăn ngừa bệnh tái phát. Cụ thể như sau:

Ăn uống hợp lý

Người bệnh cần bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất xơ như đậu phụ, ngũ cốc, các loại rau củ như cà rốt, súp lơ xanh và các loại quả như chuối chín, cam, dâu tây,…
Các thực phẩm giúp nhuận tràng cũng rất tốt cho người bệnh trĩ, chẳng hạn như rau lang, rau dền, rau diếp cá, rau mồng tơi, măng, mật ong,…
Uống 1 cốc nước mật ong vào mỗi sáng trước khi ăn sẽ giúp hệ tiêu hóa của bạn hoạt động trơn tru hơn, đi ngoài cũng dễ dàng hơn đấy.
Ăn nhiều rau củ, quả hơn, hạn chế ăn thịt và thức ăn chứa nhiều dầu mỡ để ngăn ngừa chứng táo bón – một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh trĩ.
Uống đủ nước, từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày để thanh lọc cơ thể, làm mềm phân, khiến việc đại tiện dễ dàng hơn, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh trĩ.
Hạn chế các đồ ăn cay, nóng, chứa nhiều gia vị vì chúng khiến chứng táo bón của bạn nặng hơn.

Vận động lành mạnh

Người bệnh nên hạn chế ngồi lâu, nên đi lại vận động để khí huyết được lưu thông, giảm áp lực lên các tĩnh mạch hậu môn.
Tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày để tăng sức đề kháng, kích thích nhu động ruột khiến tiêu hóa tốt hơn, đi đại tiện được dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, cần lưu ý là không nên tập luyện quá sức làm tăng áp lực lên ổ bụng, không tốt cho người bệnh trĩ.
Những người vì tính chất công việc mà phải ngồi cả ngày như dân văn phòng, tài xế, nhân viên bán hàng,… thì nên tranh thủ đi lại tại chỗ, tập một vài động tác thể dục đơn giản và uống nhiều nước hơn mỗi ngày.

Lối sống khoa học

Rèn luyện cho mình một lối sống khoa học có thể giúp bạn tránh được bệnh trĩ ghé thăm đấy.
Bạn nên hạn chế các cuộc vui thâu đêm, không dùng nhiều các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, nước tăng lực,… vì chúng làm nóng trong người, không tốt cho người bệnh trĩ.
Ngủ đủ giấc, tốt nhất là ngủ từ 7 – 8 tiếng mỗi ngày để cơ thể được nghỉ ngơi, tăng sức đề kháng cho cơ thể, từ đó làm tăng khả năng tái tạo các vết thương ở hậu môn cho người bệnh trĩ.
Hạn chế những căng thẳng, lo âu, nên giữ tinh thần được thoải mái, thư giãn nhất có thể.
Bệnh trĩ có thể trị được hoàn toàn nếu người bệnh phát hiện sớm và kịp thời điều trị. Người bệnh đóng vai trò rất quan trọng trong phối hợp điều trị bệnh trĩ cùng với bác sĩ.
Để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh trĩ, bạn đừng nên chủ quan vì nghĩ bệnh sẽ tự khỏi. Hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất khi thấy các dấu hiệu đầu tiên của bệnh nhé.
Chúc các bạn sớm điều trị khỏi bệnh và tận hưởng cuộc sống mỗi ngày!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

DẦU MÙ U TRỊ TRĨ HIỆU QUẢ TẠI NHÀ

QUÁ SUNG TRỊ BỆNH TRĨ AN TOÀN TẠI NHÀ

CÁC CÁCH TRỊ BỆNH TRĨ BẰNG MẬT ONG TẠI NHÀ AN TOÀN, HIỆU QUẢ